Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Bàn về Quyền lực

Bàn về Quyền lực

Bàn về điều này là khó, rất khó là khác. Tuy nhiên với hơn 2 ngàn 500 chữ, bài viết của Nguyễn Quang Dy cũng đã đủ điều kiện gợi lên và mở ra nhằm kiến giải tương đối sáng rõ 2 vấn đề hệ trọng liêm quan đến nhau: Vấn đề kiểm soát quyền lực và Vấn đề tranh giành quyền lực.

Đây cũng là một góp ý nhiệt tâm và chân thành của một nhà nghiên cứu, một cây bút luôn muốn đất nước có sức sống đổi mới, bắt được các thời cơ mở ra (có ngay trong những thách thức lớn). Mục đích bài viết này và nhiều bài viết khác của anh Nguyễn Quan Dy đều nhằm đẩy tới công cuộc đổi mới kinh tế; và mặt khác song song với đổi mới kinh tế cần đổi mới thể chế. Cả 2 tiến trình đổi mới này sẽ chắc chắn chỉ đem lại cho đất nước và người dân nhiều điều tốt lành hơn. 

Tại cụ thể bài viết này, tác giả đã chốt lại và gửi gắm ở mấy dòng cuối cùng: "Lúc này, muốn khôi phục lòng tin của người dân và cứu vãn chế độ khỏi suy sụp, thì chỉ có một cách duy nhất là nhanh chóng cải cách thể chế toàn diện, trước khi quá muộn".

Tôn trọng cách đặt vấn đề, cách dẫn dắt và phân tích nghiêm túc các vấn đề đặt ra của tác giả (đều là những vấn đề quan trọng trong quản lý & điều hành chính trị-xã hội cả), blog tôi xin đăng nguyên văn bài viết để bạn đọc tham khảo và tự đánh giá, đưa ra các kết luận cho mình.

Vệ Nhi  

* Đầu bài ở Entry là của chủ blog đặt; bài viết dưới là của tác giả Nguyễn Quang Dy

------



Kiểm soát quyền lực hay tranh giành quyền lực

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

“Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối”
“Absolute power corrupts absolutely” (Lord Acton)

Quan hệ nhân quả



Cách đây gần một năm, ông Vũ ngọc Hoàng (nguyên phó ban Tuyên giáo TƯ) đã làm dư luận ồn ào với loạt bài về “Kiểm soát Quyền lực” (Tuần Việt Nam, 22/9/2016). Những gì ông Hoàng đề cập về cơ bản là đúng (tuy không mới). Chỉ có điều cứ như “đến hẹn lại lên”, dư luận ồn ào rồi lại xẹp xuống, nóng lên rồi lại nguội đi. Nay “quả bom Đồng Tâm” lại gây chấn động dư luận, thức tỉnh mọi người như cảnh báo: cái gì phải đến sẽ đến! 

Hội nghị Trung ương 5 sắp họp để chuẩn bị thay đổi nhân sự giữa kỳ. Dư luận lại nóng lên như một cơn sốt định kỳ với chủ đề “nhất thể hóa” vai trò của đảng và chính quyền. Đằng sau câu chuyện về tranh giành và thâu tóm quyền lực còn có một sự thật trần trụi: thu không đủ chi. Vì nợ công chồng chất nên ngân sách thâm hụt ngày càng nan giải, không thể bao cấp mãi một bộ máy nhân sự chồng chéo khổng lồ nhưng thiếu hiệu quả. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối, và nguồn lực cuả đất nước cũng “cạn kiệt tuyệt đối”. 

Mỗi khi tranh cãi về chủ đề quyền lực, người ta thường hay đề cập đến mấy khái niệm cơ bản như: bản chất của quyền lực (nature of power), giới hạn của quyền lực (limits of power), chuyển dịch của quyền lực (power shifts), tham nhũng quyền lực (power corruption), tranh giành quyền lực (power struggle), và giám sát quyền lực (power supervision).  

Các khái niệm trên liên quan đến nhau như quan hệ nhân quả. Quyền lực có xu hướng tham nhũng: quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Chừng nào còn duy trì quyền lực tuyệt đối (không bị kiểm soát) thì không thể kiểm soát được tham nhũng. Chỉ có đổi mới thể chế toàn diện thì may ra mới kiểm soát được quyền lực và tham nhũng. 

Trong thực tế cuộc sống, nhiều người bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền và quyền lực, nên dẫn đến sùng bái quyền lực. Các nhóm lợi ích thân hữu (nhất là “con ông cháu cha” và “đồ đệ”) thường được hưởng đặc quyền đặc lợi, nên việc kiểm soát quyền lực rất khó. Người dân thường sợ quyền lực nên hay bị chính quyền lợi dụng bắt nạt. Muốn không bị lợi dụng bắt nạt thì người dân phải “thoát khỏi nỗi sợ” (như bài học Đồng Tâm). 

Bản chất của quyền lực

Chính quyền nào cũng phải dựa vào quyền lực (thường là quyền lực cứng). Nhưng bên cạnh “quyền lực cứng” (hard power) còn có “quyền lực mềm” (soft power). Quyền lực cứng thường “đẻ ra từ nòng súng”, nên dễ dẫn đến chuyên quyền và độc tài, cực đoan và vô cảm. Chính quyền không lắng nghe dân, vì họ coi dân chúng như công cụ. 

Lâu nay, các khẩu hiệu mị dân như “của dân, do dân, vì dân” hay “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là bình phong trống rỗng để trang trí. Sai lầm cải cách ruộng đất và cái chết thê thảm của bà Năm (Cát Hanh Long) vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Người ta nói cách mạng bạo lực như con quái vật, sau khi ăn thịt kẻ khác sẽ quay lại ăn thịt chính mình. 

Muốn kiểm soát quyền lực thì trước hết phải thực sự tôn trọng con người và lắng nghe dân. Cơ chế quyền lực phải xây dựng trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, độc lập và cân bằng với nhau để giám sát lẫn nhau (checks and balances). Cơ chế đó phải dựa trên “pháp trị” (rule of law) và tự do dân chủ, để người dân có quyền bầu ra người cai trị mình. Muốn có “quyền lực mềm” để bổ xung cho “quyền lực cứng” phải có xã hội dân sự. 




Những khái niệm cơ bản về pháp quyền, dân quyền và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ, chứ không phải là đặc sản riêng của Mỹ và phương Tây. Một số nước phương Đông như Nhật đã chịu khó tham khảo và vận dụng để canh tân nên đã trở thành cường quốc. Chính cụ Hồ cũng đã vận dụng những giá trị phổ quát này trong Tuyên ngôn Độc lập. Nay Việt Nam muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường, nhưng lại phủ nhận những giá trị phổ quát kèm theo, là một nghịch lý chẳng khác gì “đầu ngô mình sở”. 


Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là một kế sách để đối phó tình huống nhằm lý giải cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị. Nó bắt chước dập khuôn theo khái niệm “kinh tế thị trường XHCN” của Trung  Quốc, nhưng “sáng tạo” bằng cách thêm hai chữ “định hướng” cho mềm đi. Về nguyên lý, đó là một khái niệm tối nghĩa, phản quy luật và duy ý chí. Nó cũng giống như khái niệm “làm chủ tập thể” của ông Lê Duẩn và khái niệm “chủ thể” (Juche) của ông Kim Nhật Thành trước đây (mà bây giờ chẳng ai còn nói đến). 

Các khái niệm đó chỉ có giá trị nhất thời như một cách ngụy biện cho một tình huống, chứ nếu ngộ nhận biến thành chủ thuyết và mô hình thì rất nguy hiểm. Nó tạo ra những lỗ hổng chết người về thể chế để các nhóm lợi ích thân hữu thao túng trục lợi. Nay thì mọi ngưởi đã thấy rõ hệ quả khủng khiếp như thế nào rồi. Bài học về “quả đấm thép” Vinashin (và các tập đoàn kinh tế khác) là minh chứng về sự báo hại của mô hình đó. Nguyên bộ trưởng (MPI) Bùi Quang Vinh đã phải bức xúc thốt lên về cái mô hình “làm gì có mà đi tìm”.   

Hệ quả tai hại của tư tưởng cực đoan và “ấu trĩ tả khuynh” muốn chính trị hóa mọi thứ, kể cả tư duy kinh tế, đã kéo đất nước vào một bãi lầy tư tưởng không lối thoát. Chủ nghĩa Mác-Lê “bách chiến bách thắng” đã sụp đổ tại Liên Xô, Đông Âu cách đây 27 năm. Chủ nghĩa Mao cũng đã nằm trong mồ từ sau Cách mạng Văn hóa. Nhưng tàn dư (legacy) của chúng vẫn còn lẩn quất đâu đây như những bóng ma, biến dạng thành các khẩu hiệu cực đoan và tư duy bảo thủ như “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism) hay “tiệm tiến” (gradualism). 

Khủng hoảng về tư duy và ngộ nhận về tư tưởng không chỉ gây ra tụt hậu và khủng hoảng kinh tế, làm cạn kiệt nguồn lực và tài nguyên quốc gia, mà còn dẫn đến khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng thể chế, và khủng hoảng chính sách. Đó là một hiệu ứng domino nguy hiểm mà người ta đổ cho “diễn biến” và “suy thoái”. Hệ quả là quyền lực của đảng và nhà nước đã mất tính chính danh (legitimacy), mất lòng dân (unpopular), vì thối nát (decay).  

Sự ngộ nhân về quyền lực thường dẫn đến ảo tưởng và ngạo mạn về quyền lực. Quyền lực tuyệt đối thì ngạo mạn tuyệt đối (và sai lầm cũng tuyết đối). Người Mỹ đã phải trả giá rất đắt trong chiến tranh Việt Nam vì đã ngộ nhận và ngạo mạn về quyền lực nên không hiểu “giới hạn của quyền lực”. Người Việt cũng phải trả giá rất đắt trong thời hậu chiến vì đã ngộ nhận và ngạo mạn về chiến thắng nên đã thua thiệt. Trong cuốn sách “Sự Ngạo mạn của Quyền lực” (The Arrogance of Power, Random House, 1967), thượng nghị sỹ William Fulbright đã rút ra bài học, “Người ta không thể bảo vệ các giá trị nhân văn bằng vũ lực có tính toán và không cần duyên cớ, mà không làm tổn thương chính những giá trị mà họ cố bảo vệ”. 

Sự kết thúc của quyền lực
Nếu Francis Fukuyama nối tiếng với cuốn “Sự Kết thúc của Lịch sử” (the End of History and the Last Man, 1992) thì Moises Naim nổi tiếng với cuốn “Sự Kết thúc của Quyền lực” (the End of Power, March 2013). Theo Moisés Naím, “quyền lực đang thối nát” và đang trải qua một sự “đột biến” (mutation) rất cơ bản nhưng “chưa được hiểu và nhận thức đầy đủ”. Đó là một sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Quyền lực đang dịch chuyển từ cơ bắp sang trí tuệ, từ phương Tây sang phương Đông, từ những nhà cai trị độc tài sang người dân, từ những tập đoàn lớn sang những công ty khởi nghiệp nhỏ.
Mark Zuckerberg đã chọn cuốn này của Moises Naim để mở đầu chương trình đọc sách năm 2015 (A Year of Book). Điều đó cũng dễ hiểu vì Facebook là một ví dụ điển hình, cùng với  Angelina Jolie, Warren Buffett, Bill Gates & Melinda Foundation. Đó là những quyền lực siêu nhỏ “micropowers” nhưng siêu việt so với “megaplayers” (như Oxfam, Red Cross).
Lấy một ví dụ để dễ hình dung các giá trị quyền lực đang dịch chuyển: Trong khi ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2012 là 700 tỷ USD, thì Al Qaeda chỉ cần 500.000 USD là đủ để gây ra vụ khủng bố 9/11. Không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà cả trong lĩnh vực chính trị hay kinh doanh, quyền lực cũng đang dịch chuyển. Những nhóm ly khai, các chính đảng lề trái, các công ty khởi nghiệp, báo chí công dân, và hackers, đang làm đảo lộn trật tự cũ.   


Hiểu quyền lực đang mất đi các giá trị của nó thế nào là chìa khóa để hiểu xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 21. Tác giả dự đoán tương lai còn nhiều bất trắc hơn, qua bầu cử, trưng cầu dân ý, cạnh tranh quyền lực, phân chia lại quyền lực, từ những chủ thể cũ sang những đối thủ cạnh tranh mới. Tác giả lập luận rằng trong kỷ nguyên “hậu bá quyền” (post-hegemonic era) “không một quốc gia nào có đủ khả năng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác một cách tuyệt đối và lâu dài”.
Nếu có nguy cơ to lớn nào đe dọa các xã hội dân chủ tự do ở thế kỷ 21, thì ít có khả năng đến từ các mối đe dọa thông thường (như Trung Quốc) hoặc bất thường (như nhà nước Hồi giáo) mà có nhiều khả năng là từ sự phân liệt trong lòng xã hội. Tác giả cho rằng giải pháp khả thi cho sự phân liệt giữa chính phủ và dân chúng là chính phủ phải đổi mới thể chế để phục hồi lòng tin của dân. Theo tác giả, nhân dân phải tự tìm cách chấp nhận sự cai trị, và chính phủ cũng phải tìm cách ứng xử xứng đáng với sự chấp nhận đó của người dân.
Tuy việc phân tán và suy tàn của quyền lực là một thách thức to lớn đối với lãnh đạo các quốc gia và chính sách đối nội của họ, nhưng tác giả cho rằng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế có nhiều rủi ro hơn. Thế giới đang đối diện với những thách thức ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau, mới có thể hóa giải được những bất ổn mới. Quyền lực trở nên dễ đổ vỡ hơn và khó củng cố hơn, làm cho hệ thống quyền lực toàn cầu có xu hướng khó hồi phục, với những thể chế quốc gia và quốc tế ngày càng yếu. 
Các chính đảng truyền thống và lãnh đạo đang bị đe dọa bởi sự thối nát của quyền lực. Điều đó càng rõ khi các chính đảng lớn phải chuyển giao quyền lực cho các nhóm lề trái.  Quyền lực không còn nằm yên trong mô hình truyền thống khi các đảng phái lề trái tại phương Tây đang trỗi dậy mạnh mẽ, khi vai trò của các thế lực quân sự phi truyền thống ngày càng lớn. Ngày nay, người ta có thể giành quyền lực một cách khá dễ dàng, nhưng lại khó giữ và khó vận dụng nó. Các “megapowers” đang bị gạt ra ngoài lề bởi các “micropowers”. 

Thay lời kết

Có thể nói Đồng Tâm là một “micropower” mới, và là một hiện tượng đặc biệt như một tác nhân làm thay đổi tư duy của nhiều người, và (dù muốn hay không) làm thay đổi “đột biến” bàn cờ cải cách thể chế tại Việt Nam. Nói cách khác, người dân Đồng Tâm chấp nhận bị cai trị nhưng “có điều kiện” (tức là có “làn ranh đỏ”), trong khi chính quyền Hà Nội đang tìm cách vãn hồi lòng tin của người dân bằng cách đối thoại và nhân nhượng (từng bước) để tiếp tục cai trị. Dù thế nào, đây là một biến chuyển tích cực như một “hệ quả không định trước”, dù động cơ là để kiểm soát quyền lực hay để tranh giành quyền lực.  

Nếu “quả bom Đồng Tâm” là tín hiệu có thể thay đổi thể chế từ dưới lên, thì việc kỷ luật Đinh La Thăng mở màn cho trận huyết chiến tranh giành quyền lực giữa kỳ từ trên xuống. Sự kiện Đồng Tâm vừa phản ánh đặc thù của một địa phương tại Việt Nam, vừa phản ánh xu hướng và quy luật chung trên thế giới. Xu hướng này đang diễn ra tại Anh (Brexitism), tại Pháp (Le Penism), tại Philippines (Duterteism), và tại Mỹ (Trumpism). Nó phản ánh sự thối nát và “đột biến” của quyền lực, có thể dẫn đến sự “kết thúc” của quyền lực (hiểu theo nghĩa hẹp, như quyền lực của Đảng Dân Chủ hay di sản của Obama). 

Hệ quả tất yếu của sự “diễn biến” và “suy thoái” trong nội bộ đang làm hệ thống quyền lực của đảng và nhà nước mục ruỗng, làm mất tính chính danh của chế độ và lòng tin của dân. Muốn ngăn chặn “hiệu ứng domino” làm cả hệ thống “đôt biến” một cách nguy hiểm (nên đánh chuột lại “sợ vỡ bình”) thì phải súc rửa bình cho sạch, hoặc thay bình mới. Lúc này, muốn khôi phục lòng tin của người dân và cứu vãn chế độ khỏi suy sụp, thì chỉ có một cách duy nhất là nhanh chóng cải cách thể chế toàn diện, trước khi quá muộn. 
 ------

Tham khảo 

1. “Kiểm soát quyền lực”, Vũ ngọc Hoàng, Tuần Việt Nam, 22/09/2016  

2.  The End of Power: From Boardrooms to Battlefields and Churches to States, Why Being In Charge Isn’t What It Used to Be”, Moisés Naím. Basic Books. March 2013

3. “The limits of power: the end of American Exceptionalism”, Andrew Bacevich, Metropolitan Books, 2008
4. “Powershift: Knowledge, Wealth, and Power at the Edge of the 21st Century”, Alvin Toffler,  Bantam Books, 1991
5. “New Power Center in Trumpland: The Axis of Adults”, Kimberly Dozier, Daily Beast, April 17, 2017
6. Is Trumps Axis of Adults Beating Down the Cabal of Crazies?”, Max Boot, Foreign Policy, April 18, 2017
7. “The Brilliant Incoherence of Trump’s Foreign Policy”, Stephen Sestanovich, Atlantic, May 2017 Issue
8. “Asia’s American Menace”, Brahma Chellaney , Project Syndicate, April 25, 2017 
NQD. 27/4/2017



Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Đồng Tâm: Một cơ hội?

Đồng Tâm: Một cơ hội?

Chuyện Đồng Tâm được ""Tướng Chung" (nhiều khi vẫn gọi thế dù ông là Chủ tịch lâu rồi) ngày 22/4 vào tận nơi giải quyết. 

Cuộc gặp dân đạt được kết quả rất quan trọng "tháo ngòi nổ" cho một cuộc khủng hoảng đất đai. Nếu lấn sâu vào, 2 bên Dân và Chính quyền găng nhau nữa, chắc chắn sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Trước khi cuộc gặp 22/4 diễn ra tác giả Nguyễn Quang Dy đã viết bài: 

http://vinhnv43.blogspot.com/2017/04/mot-cai-nhin-binh-tinh-vu-ong-tam.html

Sáng nay 25/4, anh gửi tiếp cho bài viết mới dưới đây với lời nhắn trong thư email: "Đây là bài mới viết tối qua để tiếp nối và tạm khóa sổ vấn đề.Đồng Tâm". Tuy nhiên ngay sau đó tác giả vẫn dè dặt rằng: "Chỉ nên nói có mức độ thế thôi, chứ vấn đề có thể còn phức tạp hơn...".

Sau khi đọc kỹ bài viết, chủ blog tôi nghĩ, ngoài các bài học mà Nguyễn Quang Dy đúc kết ra, liệu có thể nói Đồng Tâm chính là một cơ hội rất đặc biệt mở ra? Xảy ra, lấn sâu vào sự căng thẳng giữa Dân và Quân, giữa Dân và Chính quyền là họa, Đại họa. Nhưng nếu cùng nhau, có thiện chí giải quyết được thì họa lại thành phúc, có khi là Đại phúc. là vì thế...
   
Nhận thấy bài viết của Nguyễn Quang Dy đưa lại nhiều điều hữu ích cho những ai quan tâm thời cuộc, blog tôi xin giới thiệu với bà con và bạn bè trên blog cùng đọc và chia sẻ.

Vệ Nhi
 
*   * Đầu đề entry là của chủ blog, còn đầu đề bài viết là lấy nguyên văn từ bài tác giả gửi đến.

   ---- 

Bài học Đồng Tâm

Nguyễn Quang Dy

“Cách mạng không phải là một bữa tiệc - Revolution is not a dinner party” (Mao Zedong).  


Sau một tuần hai bên cầm cự đối phó lẫn nhau (standoff), chủ tịch Hà Nội đã xuống Đồng Tâm gặp dân đối thoại (chiều 22/4/2017) để tháo gỡ vụ khủng hoảng con tin đã làm dư luận cả nước nín thở theo dõi. Bi kịch Đồng Tâm do tranh chấp đất đai đã kết thúc có hậu (happy ending) như “quả bom nổ chậm” được tháo ngòi nổ, làm hai bên thở phào nhẹ nhõm. Phương án hòa giải ôn hòa đã thắng xu hướng bạo lực cực đoan, trong bối cảnh chính trị nhạy cảm hiện nay. Đồng Tâm đã trở thành biểu tượng người nông dân bị dồn đến bước đường cùng, buộc phải đấu tranh sinh tồn, và đi vào lịch sử như một “Ô Khảm” của Việt Nam. Đã đến lúc người Việt hãy vắt tay lên trán để rút ra bài học nhãn tiền: đổi mới hay là chết? 
Đối thoại ôn hòa để xử lý khủng hoảng 
Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, hai bên cần những cái đầu khôn ngoan và ôn hòa được tín nhiệm và ủy quyền đứng ra cầm chịch dẫn dắt cuộc chơi. Cụ Lê Đình Kinh (lãnh đạo tinh thần của dân Đồng Tâm) và ông Nguyễn Đức Chung (chủ tịch Hà Nội) đã nổi lên như hai ngôi sao trên màn hình radar, đại diện cho đối thoại ôn hòa, có vai trò chính góp phần thành công bước đầu. Chúng ta hãy cám ơn họ như các “anh hùng hòa giải”.  
  
Kết quả xử lý khủng hoảng Đồng Tâm không phải chỉ giải thoát 38 con tin (dù thật hay giả), mà còn mở ra triển vọng hòa giải (như “hệ quả không định trước”) để tránh nguy cơ đổ máu. Hình ảnh người sĩ quan chỉ huy cảnh sát cơ động chắp tay chào dân làm nhiều người suy nghĩ. Lâu nay bạo lực cực đoan đã trở thành chủ lưu (mainstream) trong tư duy và hành động của một thể chế độc tài (không còn là “của dân, do dân, vì dân”). Ông Chung đã phải thừa nhận lo ngại của người dân về xã hội đen dọa khủng bố dân là “có cơ sở”. 
Ông Chung đã ký cam kết ba điểm, trước sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội và công an: (1) Thanh tra khách quan việc quản lý sử dụng đất quốc phòng và nông nghiệp, (2) không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm, (3) Điều tra, xác minh và xử lý việc bắt giữ gây thương tích cho cụ Lê Đình  Kinh. Ông Chung đã đặt lên vai gánh nặng trách nhiệm trước hai bên, như thế chấp sinh mạng chính trị của mình, trong một ván cờ thế nguy hiểm về chính trị trước hội nghị TW5&6. Hành động đó (chưa biết là khôn hay dại) đã được cả nước ủng hộ, trừ những người cực đoan vẫn tỏ ra hậm hực (chỉ vì “thua dân”). 
Tránh cực đoan và không ngộ nhận 
   
Thắng lợi bước đầu chỉ là “hiệp một” trong một trận đấu lớn. Vì vậy, đừng vội ăn mừng, không nên chủ quan và thỏa mãn mà mất cảnh giác, chừng nào thể chế lỗi thời về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ, và các nhóm lợi ích vẫn chưa bỏ cuộc. Bài học “Ô Khảm” bên Trung Quốc là một ví dụ. Cuộc đấu tranh ôn hòa nhằm đổi mới thể chế và dân chủ hóa là một quá trình lâu dài, gian khổ và phức tạp, vì “Cách mạng không phải là một bữa tiệc”.  


  
Người dân Đồng Tâm đã đoàn kết nhất trí và tổ chức tốt trong thử thách vừa qua, không để các phần tử cực đoan và khiêu khích thao túng như vụ bạo động đốt phá các dự án của Tàu (5/2014). Đó là thắng lợi ban đầu làm tiền đề tốt cho bước phát triển tiếp theo. Đồng Tâm đang có cơ hội trở thành một ngọn cờ đổi mới (nếu biết noi gương Vĩnh Phúc). Hãy giữ tinh thần Đồng Tâm tiếp tục tỏa sáng, không để cho nó chìm đi một cách vô ích. 
Vừa qua, người dân Đồng Tâm buộc phải bắt giữ con tin và “rào làng” vì bị dồn đến bước đường cùng phải tự vệ (bất khả kháng). Trong một tuần, những người nông dân chất phác đã làm cho thiên hạ ngạc nhiên. Nay tuy họ không còn phải phong tỏa các ngả đường để kiểm soát người lạ xâm nhập, nhưng họ vẫn còn cảnh giác. Để có chính danh, được dư luận trong nước (và quốc tế) ủng hộ, họ cần tránh cực đoan, không ngộ nhận, vì những phần tử cực đoan và khiêu khích (cả hai phía) vẫn còn tìm cách lợi dụng và thao túng họ.    
   
Những việc cần làm ngay 
Thứ nhất, phải ủng hộ và bảo vệ “mô hình Đồng Tâm” và những nhân tố ôn hòa (cả hai phía) đã dấn thân tháo gỡ quả bom cực đoan bằng biện pháp hòa giải (như cụ Kinh và ông Chung). Đây là thước đo xem ai thực sự quan tâm đến số phận người dân và đất nước. Giới luật sư và báo chí (cả “lề trái” và “lề phải”) cũng như các tổ chức dân sự, hãy gác mọi định kiến, chung tay giúp Đồng Tâm giám sát quá trình thực hiện những cam kết nói trên. 
Thứ hai, trước cơ hội và thách thức về đổi mới thể chế (và “nhất thể hóa”), chính phủ “kiến tạo”  hãy nhân sự kiện nóng hổi này để xoay chuyển tình thế, biến điều không thể thành có thể, bằng cách tập trung giải quyết “nút thắt” (bottleneck) về luật sở hữu đất đai, là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng và lợi ích nhóm, gây bất ổn về chính trị và xã hội.
Thứ ba, bên cạnh việc nhân rộng sáng kiến “Mekong Connect”, là mô hình liên kết 4 tỉnh đồng bằng Nam Bộ, hãy xây dựng mô hình “Đồng Tâm Connect” như một sáng kiến liên kết giữa các địa phương cùng hoàn cảnh, nhằm tháo gỡ ách tắc về thể chế đang kìm hãm làm vô hiệu hóa động lực của người dân, trong lúc kinh tế đang suy thoái và tụt hậu. 
Thay lời kết
Gia tốc tự suy sụp của hệ thống (systemic implosion) tỷ lệ thuận với sự trì hoãn cải cách để bảo vệ và duy trì nguyên trạng. Nói cách khác, càng trì hoãn thì càng đẩy nhanh sự sụp đổ. Đó là một nghịch lý và thực tế diễn ra tại Trung Quốc và Việt Nam. Tuy các mô hình chuyển đổi này đã mạnh dạn cải cách kinh tế, nhưng lại trì hoãn cải cách chính trị. 
Cải cách kinh tế sẽ hết đà và thành quả cải cách sẽ bị triệt tiêu bởi nguyên trạng chính trị. Vì vậy, phải đổi mới vòng hai để cải cách thể chế chính trị. Trong đó phải ưu tiên đổi mới thể chế về đất đai và kiểm soát quyền lực (đang bảo vệ lợi ích nhóm). Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn là định đi về đâu trong một trật tự thế giới mới đầy rủi ro. Năm 2017 không còn là năm 2016. Mỹ và thế giới không còn giống như trước. Chỉ cần ngộ nhận và sai lầm một bước là có thể nhầm đường lạc lối, làm đất nước lỡ mất một cơ hội sống còn. 
NQD. 24/4/2017



Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Một cái nhìn bình tĩnh vụ Đồng Tâm

Một cái nhìn bình tĩnh vụ Đồng Tâm

Dù cuối tuần Nguyễn Quang Dy thường có nhiều việc bận rộn, nhưng tối hôm qua (21/4) anh vẫn viết xong và gửi cho blog tôi bài viết về Đồng Tâm.

Tác giả bài viết này tự nhận là chưa có điều kiện biết và hiểu hết các chi tiết của vụ việc Đồng Tâm, nhưng từ cách đặt vấn đề, có cái nhìn toàn cảnh, rồi đi vào trình bày và phân tích, đánh giá tình hình vụ Đồng Tâm, Nguyễn Quang Dy đã có được một bài viết rất có chất lượng. (*)

Mình mong bài được nhiều người đọc; và nếu một ai đó trong số bạn đọc kia lại có điều kiện quen biết những vị lãnh đạo ở bất cứ cấp bậc nào, trung cao càng tốt, mình rất thân tình muốn rằng các bạn giới thiệu những vị đó cùng đọc. 

Cứ trộm nghĩ, được như vậy chỉ có lợi cho nhận thức chung, có lợi cho nhân dân và đất nước lúc này bởi tôi rất tin ở cái tâm sáng của tác giả Nguyễn Quang Dy khi dấn thân để viết lên những điều gan ruột đã và đang có trong anh. Nên những điều đó rất cần được mọi người chia sẻ.

Trân trọng giới thiệu bài viết này tới các bạn trên mạng.

* Tít cho entry này là của chủ blog, còn tít bài viết là ở nguyên gốc bài của Nguyễn Quang Dy.  


Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

(*) Bài viết dưới đây hoàn thành buổi tối hôm qua (21/4) khi chưa có "sự kiện" Chủ tịch Nguyễn Đức Chung xuống đối thoại có kết quả bước đầu khá tốt đẹp với nhân dân Đồng Tâm vào sáng nay (thứ Bảy, ngày 22/4). 

------

 

Quả bom Đồng Tâm hay giọt nước tràn ly


Nguyễn Quang Dy


“Chở thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân” (Nguyễn Trãi)

“Được lòng dân thì sống, không được lòng dân thì chết” (Phan Bội Châu)

“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh).


Quả bom dân sự

Thực ra chẳng ai muốn thấy cái chảo lửa hay quả bom nổ chậm Đồng Tâm (Mỹ Đức). Nhưng đã thấy mà đứng ngoài cuộc không làm gì hay không nói gì cũng không thể được. Vấn đề là câu chuyện đau lòng này cứ lặp đi lặp lại như một bi kịch không có hồi kết. Những người dân lành sống sót sau mấy cuộc chiến đẫm máu, nay lại tiếp tục bị xô đẩy đến bước đường cùng, phải tự vệ vì không còn cách nào khác. Bài này chỉ khái quát vài điểm còn chưa rõ, chứ không đề cập đến các chi tiết, vì nhiều người khác thạo hơn đã viết cả rồi.  



Thật đau lòng khi thực trạng người dân vẫn chưa khác thời “Giông Tố” và “Bước Đường cùng”. Hết chuyện Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết lại đến chuyện cụ Lê Đình Kinh. Quả bom Tiên Lãng và tiếng súng Thái Bình chưa chìm hẳn thì quả bom Đồng Tâm lại nổi lên. Tại sao chiến tranh đã qua hơn bốn thập kỷ rồi, mà bom đạn và bạo lực vẫn chưa chấm dứt, như đang có nội chiến? Phải chăng là do thể chế về ruộng đất quá bất cập?  
Liệu đây có phải là giọt nước tràn ly chưa? Điều nguy hiểm hơn là thế giới đang bước sang một giai đoạn mới đầy bất an và bất định. Châu Âu thời Brexitism khác hẳn “ngôi nhà chung”  thời Eurozone. Nước Mỹ thời Trumpism khác hẳn nước Mỹ thời Clinton và Obama. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Phải chăng quả bom Đồng Tâm báo hiệu bước ngoặt chuyển sang một giai đoạn mới? Làm thế nào để tháo ngòi “quả bom dân sự” này? 

Người dân và chính quyền 
Cần xác định về bản chất đây là một “quả bom dân sự”, do nguyên nhân tranh chấp dân sự về ruộng đất gây ra. Qua 5 năm, chính quyền các cấp vô cảm không chịu lắng nghe để giải quyết, hoặc cố ý lờ đi vì bị các nhóm lợi ích thao túng, nên tích gió thành bão. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực không phải do người dân, mà do chính quyền lừa dân ra khỏi làng để bắt về buộc tội, trong đó có cụ Kinh đã 82 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng. Đó là giọt nước tràn ly buộc dân phải tự vệ bằng cách bắt 38 cảnh sát làm con tin (15/4/2017). Đây là một sự kiện hy hữu chưa hề có, chứng tỏ người dân đã vượt qua làn ranh sợ hãi.  
Nhiều người thắc mắc tại sao gần một trung đội cảnh sát cơ động có vũ trang lại để dân làng tay không bắt giam dễ dàng như vậy. Có điều gì bất thường đang ngấm ngầm diễn ra mà người ngoài cuộc không biết chăng? Sau khi ông Nguyễn Đức Chung (chủ tịch Hà Nội) điện đàm với dân Đồng Tâm (qua các luật sư làm trung gian), người dân đã đồng ý thả 18 con tin. Ngày 20/4 sau 5 ngày lúng túng và hai bên giữ thế thủ (stand-off), ông Chung đã về huyện Mỹ Đức (chứ không về xã Đồng Tâm), và “mời” dân đến UBND huyện “đối thoại”. Đây là cuộc “đối thoại hụt” (nói khác đi là thất bại), vì dân không chịu đến UBND huyện.



Đối với ông Nguyễn Đức Chung (và ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Viettel), đây vừa là thử thách vừa là cơ hội. Nếu biết xử lý tốt thì các ông sẽ lập công và thăng tiến, nhưng nếu thất bại thì tiếng xấu sẽ bám theo sự nghiệp chính trị như một gánh nặng. Trước đây, vụ Tiên Lãng là một cơ hội tốt cho ông Nguyễn Tấn Dũng thể hiện bản lĩnh. Tuy được ông Lê Đức Anh tiếp sức, nhưng ông Dũng đã bỏ qua cơ hội đó. Nay vụ Đồng Tâm là một cơ hội tốt cho ông Nguyễn Xuân Phúc lập công, nhưng ông Phúc chưa biết tận dụng.   
  
Có thể nói cách ứng xử vô cảm của những người cực đoan trong chính quyền địa phương, quen lạm dụng quyền lực để hình sự hóa vấn đề và coi dân chúng như thù địch, đã dẫn đến khủng hoảng Đồng Tâm. Những người như cụ Kinh có phải là “thế lực thù địch” chống phá chính quyền không? Một cụ già 82 tuổi, liệu có thể “chống lại người thi hành công vụ” (để bị gãy xương) không? Tôi hoàn toàn ủng hộ nhận định của ông Nguyễn Sỹ Dũng: “Ai muốn chặt đầu tôi thì chặt, nhưng tôi nhất quyết không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền! Đó là thái độ chính trực của một quan chức về hưu có nhân cách và trách nhiệm. Chỉ tiếc là quá ít!

Lối thoát duy nhất 
Tôi cũng ủng hộ ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Dũng (và những người khác) về giải pháp: Để tháo ngòi quả bom nổ chậm và giảm nhiệt chảo lửa Đồng Tâm, lối thoát duy nhất (và khả thi) lúc này là đối thoại với dân. Nếu không đối thoại thì chỉ có đối đầu. Không phải chỉ đối đầu với một người (như anh Vươn), mà là hàng mấy ngàn người sẵn sàng tử thủ cùng con tin. Không phải chỉ có một Đồng Tâm, mà còn nhiều Đồng Tâm khác. Không phải chỉ có dư luận trong nước mà còn dư luận quốc tế lên án. Chỉ sợ lúc đó hình ảnh chính phủ “kiến tạo” của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tan thành mây khói. Sẽ là một sai lầm lớn nếu tưởng rằng chính quyền Trump sẽ không quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Mỹ đã tấn công Syria bằng Tomahawks vì chính quyền Syria tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học.   



Đối thoại là khả thi vì có mấy cơ may. Thứ nhất, người dân Đồng Tâm sẵn sàng và mong muốn đối thoại với chính quyền, chứ không muốn chống đối. Họ cảnh giác cao độ là do bị lừa dối nhiều lần, nên phải phong tỏa và “rào làng kháng chiến”.  Tuy rất bức xúc nhưng họ vẫn ôn hòa, đối xử tử tế và nhân đạo với những người bị bắt làm con tin, vì mục đích của họ chỉ để tự vệ.  Thứ hai, họ rất “đồng tâm” nhất trí, không bị chia rẽ và tác động bởi những phần tử quá khích. Vì vậy họ rất cảnh giác với người lạ xâm nhập (kể cả luật sư và báo chí). Thứ ba, tuy là nông dân chất phác, nhưng họ có ý thức tổ chức kỷ luật, biết đùm bọc bảo vệ lẫn nhau (như đối với cụ Kinh). Người dân Đồng Tâm tử tế và đáng tin hơn chính quyền.  
Trong nguyên lý “xử lý khủng hoảng” (crisis management), yếu tố đầu tiên là phải thiện chí để xây dựng lòng tin. Hiện nay trở ngại lớn nhất là khủng hoảng lòng tin trong dân. Đã đánh mất lòng tin tin rồi thì rất khó lấy lại. Người dân không còn biết tin ai. Điều này dễ hiểu khi họ đã bị lừa dối quá nhiều và quá lâu. Yếu tố thứ hai là phải có trung gian hòa giải có đủ uy tín và kinh nghiệm để được hai bên tin cậy (như các luật sư). Điều thứ ba là phải có những kênh truyền thông khách quan đưa tin chính xác, không gây nhiễu và hiểu lầm. Cả ba yếu tố đó dường như còn  thiếu và yếu, hoặc không được coi trọng. Vì vậy xử lý khủng hoảng của chính quyền đã bộc lộ yếu kém qua mấy vụ trước đây như Formosa hay Tiên Lãng.      

Khủng hoảng thể chế

Nguyên nhân chính làm người dân Đồng Tâm (và hầu hết cả nước) bất bình và phản kháng là tình trạng tham nhũng, lạm quyền về ruộng đất do một số quan tham lợi dụng lỗ hổng thể chế để trục lợi, đẩy dân đến bước đường cùng. Những quan tham trong hệ thống chính quyền các cấp đã biến chất, cấu kết với các nhóm lợi ích (và xã hội đen) để chiếm đoạt tài sản công và tư. Họ “ăn của dân không từ một thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). 
Lâu nay họ biết rõ thứ “ngon nhất” và có giá trị nhất là ruộng đất. Thứ dễ thao túng nhất là chính sách dựa trên thể chế độc quyền và bất minh. Với thể chế đó, họ có thể tùy tiện huy đông lực lượng an ninh (thậm chí cả quân đội) để cưỡng chế và đàn áp. Hầu hết những vụ tranh chấp, khiếu kiện, phản kháng xẩy ra từ Bắc chí Nam, đều liên quan đến luật lệ lỗi thời về sở hữu ruộng đất và cơ chế bất cập về quản lý tài nguyên (cả đất và cát).  
Chính quyền địa phương và các nhóm lợi ích ngày càng tham lam, vô cảm và vô minh, không rút được kinh nghiệm và bài học xương máu. Thực ra họ cũng không thực sự quan tâm đến những rủi ro về đối ngoại hay lợi ích quốc gia trong các vụ bê bối. Tư duy cực đoan và hành xử vụ lợi của các quan tham ở địa phương hầu như ngày càng tệ hơn.    

Vai trò truyền thông
Nước ta có tới 845 cơ quan báo chí (chính thống) với 18.000 nhà báo, nhưng theo ông Dương Tường, chỉ có một người xứng đáng là nhà báo (lúc này). Đó là nhà báo Bảo Hà (VNExpress). Khi sự kiện Đồng Tâm làm dư luận cả nước (và quốc tế) dậy sóng, nhưng hầu hết các báo lề phải im lặng hoặc nói theo chính quyền, Bảo Hà đã dũng cảm dấn thân xuống tận nơi, không ngại nguy hiểm, để quan sát và lắng nghe nguyện vọng của người dân đang bức xúc nên chị đã viết được một phóng sự có nội dung trung thực và khách quan.
Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin chủ yếu vì kịp thời. Nhưng đáng tiếc nó cũng không tránh khỏi bị thao túng, nên có những tin thất thiệt, không chính xác. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài (như BBC, VOA, AP, AFP, Reuters) và một số báo lớn của Mỹ (như Time magazine, Foreign Policy, New York Times, Washington Post) đã đưa tin và bình luận, chứng tỏ dư luận quốc tế rất quan tâm đến vụ này. 

Điều đáng lưu ý là trong khi vụ khủng hoảng đất đai và con tin tại Đồng Tâm còn đang nguy hiểm như quả bom nổ chậm, thì chính quyền Phú Quốc lại điều động gần trăm cảnh sát đến cưỡng chế thu hồi đất đang tranh chấp với người dân tại Bãi Dài (Zing, 20/4/2017). Cùng ngày, chính quyền Bắc Ninh cũng điều động mấy trăm công an và cảnh sát cơ động đến cưỡng chế thu hồi đất đang tranh chấp với người dân tại xã Yên Trung. Theo thông tin (chưa kiểm chứng), dân địa phương ở đó cũng đang quyết tử để giữ đất.

Thay lời kết
Không có gì thích hợp hơn là nhắc lại câu nói của cụ Hồ: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. (Hồ Chí Minh Tuyển tập, NXB Sự Thật, 1984). Đáng tiếc là chính quyền địa phương đã làm ngược lại, không phải là “của dân, do dân, vì dân” mà là “của lợi ích nhóm, do lợi ích nhóm, vì lợi ích nhóm. Nói cách khác, chính phủ “kiến tạo” của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đang bất lực. Không biết ông Vũ ngọc Hoàng có nghĩ ra cách gì khác không để “kiểm soát quyền lực”, nếu vẫn chưa cải cách thể chế.   

NQD. 21/4/2017 

 

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...