Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Việt Nam:Tài ngoại giao qua sử cổ

Ngoại giao trong sử Việt: Kiêu dũng đối đáp 




Trong lịch sử bang giao Việt Nam - Trung Quốc, sử sách ghi nhiều câu chuyện đối đáp hết sức hiên ngang và thông thái của các sứ thần nước Nam mình trước bọn vua quan phong kiến Trung Quốc thường ngông nghênh và ngạo mạn. 

Dưới đây là vài mẩu chuyện trong số đó.    

Vệ Nhi  

* Post bài lên có nhiều Quý Bạn hỏi, sao dùng từ KIÊU DŨNG (đối đáp), xin tưa đó là nghĩa Kiêu hãnh, và cùng với lòng Kiêu hãnh là (có) Dũng khí trong giao tiếp, đối đáp với quan quyền, thủ lãnh nước lớn phương Bắc...

-----


Bottom of Form

Ôn cũ biết mới

                       
Việt Nam: Tài ngoại giao qua sử cổ

 

        Dân tộc Việt Nam  không những chỉ có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm rất oanh liệt mà còn có truyền thống đấu tranh ngoại giao dũng cảm, tài tình, sáng tạo để giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

        Dưới đây là một vài mẩu chuyện sự thật trong lịch sử chứng minh.

                         1) Ngoài trời còn có trời (thiên ngoại hữu thiên)




Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn)
 
"Thiên ngoại hữu thiên” (ngoài trời này có bầu trời khác) nguyên  là một tư tưởng của Lão Tử trong Đạo Đức kinh. Câu nói này thể hiện vũ trụ quan của Lão Tử, một vũ trụ quan cách chúng ta trên 2.500 năm, khi mà những tiến bộ khoa học chưa ra đời và Lão Tử, như những nhà hiền triết phương Đông khác, đã cố gắng cắt nghĩa vũ trụ thông qua những nhận thức thuần nghiêm.
Khi phát biểu "thiên ngoại hữu thiên", Lão Tử cho rằng ngoài thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống còn có một (hoặc nhiều) thế giới khác mà ông chưa biết đến. Nói cách khác, vũ trụ bao la còn chưa đựng nhiều cuộc sống khác mà loài người đang cố gắng khám phá, tìm hiểu, cắt nghĩa…
Song câu nói trên của Lão Tử được vận dụng vào trong một bài thơ rất có ý nghĩa trong cuộc bang giao Việt - Trung từ đời nhà Tiền Lê với nhà Tống cách đây ngót 11 thế kỷ.
Năm 981 Lê Đại Hành (tên tục Lê Hoàn) đánh bại quân Tống xâm lược, giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, Quân Biện, Phụng Huân khiến nhà Tống phải kinh hoàng, khiếp sợ và Đại Việt giữ được chủ quyền, cõi bờ yên tĩnh.


 Pháp Thuận (Đỗ Thuận) --->>> tranh vẽ cổ

Năm 987 nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết cầm đầu phái bộ sang phong cho Lê Đại Hành làm Tiết Độ sứ và đòi trả hai tên tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân. Vua Tống biết Lê Đại Hành không những giỏi về dùng binh mà con có tài giao tiếp. Để tránh thất thố trong cư xử, trong phái bộ triều Tống có Lý Giác là một nhà thông thái nổi tiếng giữ vai trò sứ giả chịu trách nhiệm giao tiếp với Lê Đại Hành.
Được tin phái bộ triều Tống phái sang Đại Việt, vua Lê Đại Hành tham khảo ý kiến đại sư Khuông Việt là vị thiền sư rất thông thái đã từng phục vụ đắc lực cho Đinh Tiên Hoàng và sau này vẫn được Lê Đại Hành trọng dụng. Khuông Việt giới thiệu Pháp Thuận (Đỗ Thuận), một nhà sư nổi tiếng hay chữ cải trang làm người lái đò trên chiếc thuyền đón rước Lý Giác.

Lý Giác vốn có tài ngâm vịnh thi ca. Đang xuôi sông đứng ngắm cảnh trên khoang thuyền, Lý Giác bắt gặp một đôi ngỗng trời đang bơi lội trên sông, Lý Giác hắng giọng ngâm bài thơ Đường nổi tiếng của Lạc Tân Vương: 

                                                  “Nga!Nga! Lưỡng nga nga
                                                    Ngưỡng diện hướng thiên nha”…
                                        Nghĩa: “Ngỗng!Ngỗng! Ngỗng một đôi
                                                   Ngẩng mặt ngóng chân trời”…

Ngâm hai câu, Lý Giác tạm dừng ngắm đôi ngỗng. Bỗng Lý sứ giả nghe tiếng người lái đò ngâm tiếp:

                                                  “Bạch mao phô lục thủy
                                                    Hồng trạo bãi thanh ba”…

                                         Nghĩa:”Nước biếc phô lông trắng
                                                     Chèo hồng sóng xanh bơi”…

Lý Giác giật mình kinh sợ, không ngờ một người lái đò nước Nam cũng thông thạo văn thơ đến thế.

Bài thơ “Vịnh Ngỗng" của Lạc Tân Vương, nguyên tác 4 câu:
             “ Nga! Nga! Nga!
              Khúc hạng hướng thiên ca
              Bạch mao phù thủy lục
              Hồng chưởng bãi thanh ba”.
Nghĩa:   “Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng !
              Cong cổ ngóng trời kêu
              Lông trắng nổi trên mặt nước
              Bàn chân hồng khua sóng xanh”.

Bởi trước mắt Lý Giác chỉ có hai con ngỗng, và hai con ngỗng ấy ngóng trông về phía chân trời xa chứ không ngẩng lên trời kêu, ông thêm và chữa mấy chữ để hợp cảnh hợp tình, là chuyện thường thấy ở người xưa yêu thích thơ văn của nhà thơ nổi danh như Lạc Tân Vương. Ông chưa biết nên sửa tiếp như thế nào. Đỗ Thuận - vai người lái đò, đã đỡ lời ông, thay bằng mấy chữ rất tài tình.

Bài thơ “Vịnh Ngỗng” Lạc Tân Vương làm năm mới 10 tuổi, thực ra chưa phải đã thật toàn bích. Đỗ Thuận thay chữ “phù” là nổi bằng chữ “phô” khoe, thay chữ “hồng chưởng”bàn chân hồng bằng chữ “hồng trạo”mái chèo hồng làm cho câu thơ trở nên tuyệt cú ! Ở đây không hề có chuyện Lý Giác và Đỗ Thuận “đạo” thơ Lạc Tân Vương, mà chỉ là câu chuyện vui về thơ, vì bài “Vịnh Ngỗng” của Lạc Tân Vương đã quá nổi tiếng, không mấy ai không biết! Lý Giác dù sau đó biết Đỗ Thuận chỉ đóng vai ông lái đò, vẫn rất khâm phục nhà sư. Lý Giác về đến Sứ quán, gửi cho Đỗ Thuận một bài thơ:

Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa tri thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
             
                        Dịch thơ:”May gặp thời bình được giúp mưu
Một lần hai lượt sứ Giao Châu
Đông đô mấy độ còn lưu luyến
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu
Ngoài trời lại có trời soi nữa
Sóng lặng khe đầm, bóng nguyệt thâu.”
(Bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư)

Đỗ Thuận đem bài thơ của Lý Giác dâng lên vua Lê Đại Hành.Vua cho gọi Đại sư Khuông Việt xem. Sư Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Vua khen ý thơ, đặc biệt câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” nghĩa là: “Ngoài trời lại có trời nên soi sáng xa..” truyền lệnh ban tặng cho Lý Giác bổng lộc rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn chân. Lý Giác lậy tạ trở về Trung Quốc.

Chỉ với hai câu thơ đã gây ấn tượng mạnh đối  với một nhà thơ có tầm nhìn đáng nể khá hiếm hoi trong cương vị của một viên sứ Tàu.

                                 2) Thiên cổ anh hùng sứ giả

Ngô Quyền dìm chết quân xâm lược nhà Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 “một vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”(Lời bàn của Ngô Thì Sĩ).

Cái cột đồng Mã Viện dựng lên từ những năm 40 (đầu CN) với lời hăm dọa “đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” (trụ đồng ngã, đất Giao Chỉ diệt vong) vẫn là tâm địa nham hiểm của bá quyền phương Bắc xuyên suốt lịch sử. 




Đến thế kỷ thứ XVII mà Sùng Trinh, vua nhà Minh, vẫn còn lấy biểu tượng ác hiểm đó để ra câu đối cho sứ thần Đại Việt với ý định làm nhục nước Đại Việt ta. Nhưng Sùng Trinh đã chuốc lấy sự bẽ bàng trước vế đối cực kỳ thông minh,đầy khí phách hào hùng của sứ thần Việt là Giang Văn Minh.

Giang Văn Minh sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (tên trước năm 1945), nay đổi là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Giang Văn Minh học giỏi, đỗ đạt cao làm quan Triều Hậu Lê nổi tiếng thanh liêm, cương trực và ứng đối giỏi. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Thám hoa (do không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, nên Giang Văn Minh tuy chỉ là Thám hoa, vẫn là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi  khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông).

Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637) ông được vua Lê cử dẫn đầu đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh.

Năm1938 ông đến kinh đô nhà Minh, được mời vào ở Sứ quán nhưng chờ đã lâu mà vẫn không được vua nhà Minh lúc đó là Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) cho tiếp kiến.

Một hôm, ông vờ khóc lóc rất thảm thiết. Vua Minh liền cho mời ông vào triều kiến và hỏi nguyên do. Với tác phong chững chạc, Giang Văn Minh trả lời:

-          Hôm nay là giỗ cụ tổ năm đời của thần, nhưng thần không có mặt ở nhà để cúng giỗ. Thật là bất hiếu với tổ tiên.

Vua Minh vặn:
-          Không ai giỗ người đã chết từ năm đời. Sứ thần khóc lóc như vậy thật không phải lẽ!

Giang Văn Minh hỏi vặn lại: 
-          Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hằng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ?



Ý ông muốn nhắc lại chuyện quân Minh sang xâm lược nước ta bị nghĩa quân Lam Sơn   chém cụt đầu.

Biết trúng mưu Giang Văn Minh, vua Minh đành nói:
-          Từ nay trở đi, nước ngươi không phải góp giỗ Liễu Thăng nữa.
      
Tiếp theo để  vừa gỡ gạc thể diện,vừa ngạo mạn có ý coi thường Giang Văn Minh và muốn hạ nhục đoàn sứ thần nước Nam, Sùng Trinh  ra câu đối:

          "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục!" (Cột đồng đến nay rêu vẫn còn xanh)
         
Sứ thần nước Nam, Giang Văn Minh bình tĩnh đối lại:
          " Đằng giang tự cổ huyết do hồng!" (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn nhuộm  đỏ)

Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách hạ lệnh trám nhựa đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”.Tuy tức giận hạ sát sứ thần Giang Văn Minh nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).   
   
       Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm.Trên cánh đồng này có một quán nhỏ (hiện có dạng ngôi nhà) là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là “quán quàn”. Hiện nay, nhà thờ ông ở Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.. ‎             
                                .
Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối với phố Giảng Võ và phố Kim Mã, quận Ba Đình.

Dịp truy điệu Giang Văn Minh,có người tặng câu đối:
      “Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.
        Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh”
.
     
Tức là:   “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống
        Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống”.


Lê Ngân (sưu tầm và giới thiệu)


Hà Nội, Xuân Bính Thân - 2016
              
  (Bài đã  đăng trên Tạp chí Cây Thuốc Quý số Mừng Xuân Bính Thân (tháng 01.2016)

------------





BÀI ĐỌC THÊM:






CHUYỆN MỘT TRƯỞNG ĐOÀN NGOẠI GIAO VN BỊ GIẾT TẠI TRUNG QUỐC

 

 


Ảnh: Đền thờ Giang Văn Minh(Ảnh: internet)
Ngày xưa, việc chọn Trưởng đoàn ngoại giao (Chánh sứ) là rất quan trọng, nhất là đi sứ Trung Quốc. Những người được chọn làm Chánh sứ thường là những nhà khoa bảng giỏi văn chương chữ nghĩa và có khí tiết. Tại các cuộc tiếp sứ, các vua Tàu thường ra những vế đối hiểm hóc, và đặt ra các cuộc xướng họa thơ phú với nhiều hàm ý.

Đường Lâm cổ ấp quê tôi là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh người đã từng được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Ông bị vua quan nhà Minh giết tại Yên Kinh (TQ) bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Khi đưa thi hài về đến quê nhà, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng [rể Đường Lâm] bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công[1], ban tặng câu“Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Dưới đây là chép từ Từ điển Wikipedia: 

Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 – 1638), tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi. 
Cuộc đời và sự nghiệp
Ông sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây trước năm 1945), (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây , Hà Nội. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi. Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630)[3], Thái bộc tự khanh (1631).
Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh. Sau khi chết, ông được truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công. Giai thoại Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.


Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.
Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục””   Nghĩa là:   Cột đồng đến nay rêu đã xanh
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ – tức Đại Việt – bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”
Nghĩa là:
Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sôngBạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông, và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, [thực ra là Gò Đõng – NXD] thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà) nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán Giang. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa . ‎
Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối với phố Giảng Võ và phố Kim Mã, quận Ba Đình. 
Tác phẩm
  • Hoa Nghiêm tự bi: trên tấm bia của chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có ghi người soạn văn bia năm Dương Hòa thứ 2 (1636) là Phúc Lộc hầu Giang Văn Minh, đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn (1628), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bộc tự khanh.[9]

Đánh giá 

Ông là người trí dũng song toàn.[10]

Thi sĩ Hoài Yên có thơ rằng:
Giang Văn Minh
Một sớm về thăm Mông Phụ ấp,
Suốt đời nhớ mãi Thám hoa môn.
Ngoại giao, lo tính tìm mưu chước,
Đối đáp, không làm thẹn núi sông.
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục,
Đằng giang tự cổ huyết do hồng”.
Quên thân, quyết báo đền ơn nước,
Khí tiết xin phơi một tấm lòng.
(Chân dung. Thơ Hoài Yên. Nxb. Hà Nội, 2008. tr21).
 
Mộ Thám hoa Giang Văn Minh. Bốn chữ Hán: THIÊN CỔ ANH HÙNG. Ảnh: Đỗ Ngọc Sơn
Quán Giang. Nơi quàn thi hài của Giang Văn Minh khi đưa từ Trung Quốc về. Ảnh: Đ.N.


Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Cuối tuần, đọc câu chuyện này để ngẫm...



 Nam mô A-mê-ri-ca


Một bài viết hay về cuộc sống cộng đồng người Việt bên Mỹ. 

Nơi đó, tình con người, nghĩa đồng bào cư xử với nhau vẫn như... bát nước đầy. 

Pháp luật nước Mỹ nghiêm đến máy móc. 

Bất đồng ngôn ngữ, tai nạn dịch thuật đôi khi khiến các đương sự lâm khốn đốn... 

Rất nhiều chuyện đáng suy ngẫm ở một nèo đất xa xôi bên kia bán cầu, nơi hàng triệu người Việt mình sinh sống...

Xin phép tác giả đưa về trang nhà và mời bạn bè vào đọc bài viết.

Vệ Nhi

-------   

Nam mô A-mê-ri-ca

 (viết tặng Nick Zamorano trong ngày Tết Việt Nam)

- Nầy, sếp nhớn! Ồn ào quá ta; để ta yên nào! (Shut up! Give me a break, boss.)
Phải mất hơn 15 năm chí thú làm việc cần cù, trên dưới trôi tròn, không có gì sai phạm đáng kể giữa một thực tế đầy cạnh tranh của xứ Mỹ nầy, tôi mới nói được với gã “sếp nhỏ” đơn vị của mình  (supervisor) một cách vừa ngang phè như cua gạch, vừa thân mật kiểu bạn bè như thế mà không sợ bị giận hờn hay mất việc.


Tôi làm cho chương trình Bảo Vệ Thanh Thiếu Niên (C.P.S.) đã hơn 15 năm.  Đây là một chương trình có mạng lưới rộng khắp, phục vụ suốt ngày đêm tại các thành phố trên toàn nước Mỹ.  Tôi ở trong đội Ứng phó Khẩn cấp (Emergency Response).  Còn nhớ hơn mười năm trước, sau 3 năm làm việc an toàn, trôi chảy, khi đọc tạp chí Forbes nói về các nghề nghiệp “sinh tử” nhất của Mỹ, tờ báo nầy nói lên một nhận định làm tôi hoảng hồn: 

“Ở Mỹ có hai nghề dân sự bị áp lực ngoại cảnh xã hội nặng nề nhất vì có thể gây chết người bất cứ lúc nào nếu thiếu sự cẩn trọng nghề nghiệp, đó là nghề Điều hành Không lưu (Air Controller) và nghề Bảo Vệ Trẻ Em, đội Ứng phó Khẩn cấp” – mà tôi đang làm.  Nghề không lưu mà lơ đãng theo dõi chuyến bay để phân định không chuẩn xác thì máy bay đụng nhau.  Nghề bảo vệ thiếu niên, con trẻ mà không giải quyết vấn đề kịp thời thì sẽ bị bức hại bởi người nuôi nấng.
Hôm nay, tới phiên tôi trực.  Theo quy định, mỗi nhân viên trực có trách nhiệm thụ lý tối đa là 2 hồ sơ trong suốt một ngày trực.  Dù hôm nay mới 2 giờ chiều, nhưng tôi đã được phân công làm việc với hai trường hợp khẩn cấp rồi.  Theo nguyên tắc chuyên ngành thì kể như xong nợ trong ngày.  Thế mà khi đang ung dung ngồi mơ mộng một chút trên chiếc máy vi tính, gã quản lý chương trình lại lên tiếng gọi tôi, hỏi:
- Nầy, cậu có thể nhận thêm một “case” (thụ lý một hồ sơ) nữa không?  Cậu sẽ được trả thêm tiền phụ trội ngoài giờ tối đa đó nha.
Từ sáng sớm, nhận sự phân công lần thứ nhất, rồi lần thứ hai ngay trong giờ ăn trưa, tôi đã mất hơn nửa ngày để lái xe đi gần cả trăm cây số, điều tra qua lại nhiều nhân chứng và liên lạc, phân tích hồ sơ về các trường hợp “trẻ con bị hành hạ” ngay tại nhà ở và trường học của nạn nhân.  

Tôi mệt nhoài, còn hơi sức đâu mà làm phu trội. Nhìn đống hồ sơ giấy tờ dày cộm khô khan như gạch ngói của hai hồ sơ mà tôi đã nhận đang nằm chờ hoàn tất thủ tục trước mắt.  Nay tay quản lý nầy lại “lì lợm” gạ gẫm tôi nhận thêm một hồ sơ nữa làm tôi nổi cáu trả lời gắt gỏng “Shut up! – Im đi!”, thế mà hắn vẫn chưa chịu buông tha tôi.
Tiếng Nick, gã quản lý, vẫn dè dặt và ôn tồn vang lên từ bên kia đầu dây điện thoại:
- Thế cậu không muốn giúp “người của cậu” à?
Nghe hai tiếng “your people – người của cậu…” tôi hơi chột dạ, hỏi gằn lại:
- Này Nick, nói cho rõ ràng, Người của tôi là ai vậy?
Tiếng Nick phát âm lơ lớ trong máy:
- Nu-yen Ven Tot!  Có phải là tên người Việt Nam không?
Tôi không làm lơ được nữa.  Hỏi kỹ hơn:
- Ô kê! Nguyễn Văn Tốt đúng là tên người Việt Nam.  Nhưng can tội gì vậy?
Nick đáp:
- Sexual abuse – xâm phạm tình dục – với trẻ em dưới 5 tuổi.

Tôi thót ruột. Cảm nhận bằng kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi biết vấn đề nghiêm trọng của sự vụ xảy ra.  Nhìn đồng hồ, đã hơn 3 giờ chiều.  Nếu gặp một hồ sơ rắc rối, làm việc đến nửa đêm chưa chắc đã xong. 
 Sinh sống trên đất Mỹ, hàng chục năm lần lượt trôi qua cứ ngỡ như sông nước Đông Tây đã hòa quyện vào nhau không còn biên giới.  Nhưng lai lịch Việt Nam bỗng đâu dội tới như tiếng gọi cội nguồn đánh động lòng người.  Không hỏi thêm lời nào, tôi đồng ý nhận làm việc cho một trường hợp người Việt đang gặp nạn.  Bên kia, tiếng Nick reo lên như được thắng một ván bài tâm lý: “Hề hề!  Ta biết là cậu không từ chối được ‘ca’ nầy đâu.”

Tôi nhận hồ sơ báo cáo.  Đọc lướt qua hồ sơ: Người báo cáo là tổ hợp luật sư của cha mẹ nạn nhân. 





 Bị cáo là một người đàn ông Việt Nam 62 tuổi, không nói được tiếng Anh, chưa có tiền án. 
 Nạn nhân là một thằng bé Mỹ trắng, thiếu một tháng đầy năm tuổi.  Nó học mầm non mẫu giáo buổi sáng, buổi chiều được gởi trẻ tại nhà riêng của người đàn ông bị cáo vì cha mẹ bận làm việc toàn thời gian.

 Nội vụ tóm tắt là:  Người đàn ông Việt 62 tuổi tên Nguyễn Văn Tốt, cư ngụ tại Mỹ chưa tới ba năm, đã nhiều lần có hành động xâm phạm tình dục với thằng bé da trắng và hai đứa cháu của ông ta bằng cách dùng dao dọa giết nếu các nạn nhân không nghe theo lời dụ dỗ liên quan đến chuyện thỏa mãn dục tính của ông ta.

Nếu bị cáo không chứng minh được sự vô tội của mình và bị hệ thống tòa án và luật sư Mỹ chằng chịt như rừng ở xứ Cờ Hoa nầy đưa đến phán quyết rằng: “Có tội – Guilty” thì bản án tù tội sẽ nghiêm trọng không lường hết được.
Theo thủ tục quy định, người thụ lý hồ sơ phải trực tiếp tìm gặp ngay nạn nhân riêng rẽ để tiến hành điều tra nội vụ. Tôi đến nhà trẻ Honey Child Care đang giữ Dany từ sau ngày nó bị “xâm phạm tình dục” để trực tiếp quan sát và phỏng vấn theo yêu cầu nghề nghiệp.
Khi vừa đến nơi, tôi đã thấy cha mẹ của Dany có mặt ngoài phòng đợi.  Tôi chỉ chào qua loa và yêu cầu ban giám đốc cho tôi gặp cháu bé tại phòng riêng của nhà trường. 

 Cha mẹ nạn nhân yêu cầu được có mặt trong lúc tôi phỏng vấn trực tiếp với Dany tại phòng riêng, tôi từ chối.  Theo luật, đứa bé có thể yêu cầu thầy giáo hay nhân viên nhà trường hiện diện trong cuộc phỏng vấn, nhưng chỉ dự thính chứ không được hỏi nạn nhân; thân nhân không được quyền có mặt. 
 Bị từ chối, thế mà cha mẹ bé Dany vẫn tiến tới xen vào việc tiến hành điều tra đang diễn ra.  Tôi cố tránh, nhưng người cha đã đến chận trước lối vào phòng nói một cách tha thiết mà lịch sự:
- Thưa ông, tôi xin lỗi. Tôi không có ý xen vào công việc của ông đang tiến hành.  Nhưng tôi chỉ muốn làm cho công việc điều tra của ông dễ dàng hơn…
Tôi hỏi nhanh:
- Thưa ông, vậy tôi có thể giúp gì được ông ạ?
Người cha xua tay:
- Không, không, chúng tôi chỉ muốn gởi ông bản dịch tường trình của FBI (Cơ quan Điều Tra Liên Bang) về cuốn băng có thu hình trực tiếp các trường hợp xâm phạm tình dục.
Ngạc nhiên, tôi hỏi nhanh:
- Ai thu hình vậy, thưa ông?
Người cha trả lời càng làm tôi ngạc nhiên hơn:
            - Từ máy quay phim tự động đặt trong nhà.  Chính con trai của can phạm đã giao nộp cuốn phim.
            
 Tôi tiếp nhận bản dịch ra tiếng Anh và dĩa thu hình sao lại cuốn phim.
            Trong phòng thí nghiệm riêng của nhà trường tiểu học mà các cháu nạn nhân đang theo học, tôi phải xem kỹ lại nội dung các sự việc trong cuốn phim trước khi phỏng vấn các nạn nhân.
            Những đoạn phim có liên quan đến nội vụ, trước hết là hình ảnh ông già Tốt tắm cho hai thằng cháu nội và thằng bé Dany.  Ông kỳ cọ cho cả ba đứa bé trai và mỗi lần đụng đến bộ phận kín riêng của chúng, ông cười đùa hồn nhiên, rồi đưa tay túm lấy “của quý” của mấy thằng cháu để khoác nước lên và rửa ráy kỹ hơn.  

Có lẽ vì hơi tò mò một chút cái “của Tây” nó khác “của Ta” như thế nào, già Tốt chịu khó bọt nặn thằng bé Dany hơi kỹ hơn một chút và cười hềnh hệch, rồi đem túi khôn truyền khẩu của dân tộc ta ra làm tiêu chuẩn bình luận, rằng: “Hì hì! D... ái đen mạnh cọ, d...ái đỏ mạnh cày.  Thằng Mỹ con nầy giống tốt!”  

Những mẫu hình chuyển qua phần mà cơ quan FBI cho là “nghiêm trọng” vì những dòng văn và đoạn văn dịch in đậm và xiên.

  Trong hình, ông Tốt cầm một cây dao, làm điệu bộ như chuẩn bị cắt của quý của mấy thằng nhóc, nhất là thằng Dany không chịu làm theo lời ông mà cứ giương mắt ếch ra nhìn.  

Tiếng ông già Tốt nói rặt giọng Huế thu được trong dĩa lưu phát ra nghe rất rõ:
            - Dzu (you) ít (eat) bô cu (beaucoup) thì ô kê.  “No” bô cu, thì “no” ô kê.  Còn ăn ngã ngớn thì ôn cắt phứt chim tụi bay đem ra xào nhậu ba-xi-đế liền...
            Liếc nhanh qua bản dịch tiếng Anh, tôi vừa hoa cả mắt vì người dịch chẳng hiểu gì ý người nói; vừa cảm thấy xót xa vì tai bay vạ gió ở đâu ùn ùn kéo tới do ngôn ngữ bất đồng. 

 Người dịch – ký tên bên dưới là Jenny Nguyen – hẳn là một người trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai trên đất Mỹ, nên dẫu có lưu loát về tiếng Việt đến mấy thì khó mà hiểu được cái “mốt” nói tiếng Anh, tiếng Tây xen lẫn với tiếng Việt như ông Tốt thuộc thế hệ học sinh ngữ Anh, Pháp nhập nhằng trên quê hương một thời đi học. 

 Bởi thế, người dịch đã diễn ra tiếng Anh đại ý: “Làm tình ít bú cu thì tốt. Chẳng bú cu thì không tốt.  Ăn xong, nằm ngữa ra để tao cắt chim đem xào uống rượu liền!” 

 Lời dịch quýnh quáng không những sai lạc mà còn phản lại ý của người nói; cộng thêm với hình ảnh ông già Tốt cầm cây dao lăm lăm hết dọa hai thằng cháu của ông, đến dọa thằng Dany cũng đủ làm cho người Mỹ lên cơn kinh hoàng vì “thủ đoạn gian ác” của tay tội phạm xâm phạm tình dục trẻ con.

            Trong một đoạn phim khác, ông già Tốt tắm rửa cho ba thằng con trai.  Đứa nào ông cũng kỳ cọ sạch sẽ bộ phận riêng và có khi ông còn vuốt ve nói năng đùa giỡn với cả ba thằng bé.

 Lại thêm một lần nữa, sự suy diễn rằng, nghi can đã “cố ý va chạm, vuốt ve, xâm phạm bộ phận sinh dục của nạn nhân...” càng làm cho ông già Tốt có khả năng trở thành một thứ “quỷ Râu Xanh” trước mắt giới thẩm quyền và chuyên viên bảo vệ trẻ em, phần lớn suy diễn khá cực đoan khi cần bảo vệ trẻ em bị nạn, trên đất Mỹ.

            Nội dung phỏng vấn ba đứa trẻ con chẳng cho thêm dữ kiện nào mới ngoài sự xác định:  “Ông ấy rờ tôi chỗ nầy.  Ông ấy thọc lét tôi chỗ kia...” như đã thấy trong phim và nghe trong băng thâu.

            Bước kế tiếp của cuộc điều tra là đến gặp gia đình ông Tốt. 

 Gặp ông, tôi hơi ngờ ngợ vì so với dáng linh hoạt của ông trong cuốn phim mà tôi vừa coi, trước mắt tôi là một ông già hốc hác, mặt xanh xám, mắt trũng sâu, tóc bạc rối bời bơ phờ.  

Vâng, nhưng đúng là ông Tốt khi ông lên tiếng:





            - Dạ đúng, tôi là Nguyễn Văn Tốt, từ Việt Nam qua Mỹ được hai năm, mười một tháng, bốn ngày...

            Nói tới đây, ông Tốt ngồi phịch xuống nền nhà, hai tay ôm đầu, giọng kéo dài run run như vừa rên, vừa nói qua tiếng nấc đầy vẻ uất nghẹn:
             “Úi! Cha mẹ ơi là cha mẹ.  Tụi hắn nói tui hiếp dâm thằng con nít 5 tuổi. Trời đất lại có chuyện ‘mèo đẻ ra trứng, lợn đẻ ra hổ mang’ như kiểu đó sao ông hè?! 
 Tui thương thằng nhỏ như sáp cháu nội tui.  Tui nói tào lao xị đế để dọa cho hắn ăn cơm cả thấy hắn ốm tòng teo tội nghiệp.  Ai ngờ ra nông nỗi nầy.  Còn mặt mũi chi mà dám nhìn bà con, thiên hạ nữa.  Ui chao! Nhục nhã không chịu nổi thì chắc tui phải uống thuốc chuột mà chết thôi.  Ông ơi!  Xin ông cứu tui với!  Cứu tui với...”

            Giọng ông Tốt khàn khàn như tiếng khóc không thành hình.  Suốt mười mấy năm thường xuyên đối diện với cảnh kêu oan của những nghi can trong quá nhiều trường hợp tương tự, tưởng lòng tôi sẽ trở thành thản nhiên chai đá. 

 Nhưng tiếng than “mất mặt không dám nhìn bà con thiên hạ” của ông Tốt trên đất Mỹ xa xôi nầy làm tôi xúc động mạnh khi nhớ về quê hương làng xóm.  
Nơi đó, tiếng chào cao hơn mâm cỗ, ăn miếng giữa làng bằng sàng xó bếp; nơi mà phép vua thua lệ làng của nền văn hóa làng xã vẫn còn đang đậm tình đất cát sau những lũy tre xanh.

            Tiếp theo, tôi phải phỏng vấn ông Tốt để thụ lý hồ sơ.  Nhưng từ trong cái “chung” sâu thẳm tôi đã chia sẻ trọn vẹn với ông mà chẳng cần phân bua, giải thích. 
 Với một xã hội dân chủ pháp trị như xứ Mỹ nầy thì pháp lý vẫn làm đầu tàu cho đạo lý.  Vấn đề còn lại không phải là bày tỏ sự cảm thông và xúc động mà phải làm gì và cứu ông Tốt được bao nhiêu.

            Khi chia tay ông Tốt và những người con đều là bác sĩ, kỹ sư... đang nhăn mặt nín thở theo dõi vụ án của cha, tôi chỉ có thể nói được một lời khuyên vắn tắt:
            - Ông Tốt và các cháu bình tĩnh.  Chỉ xin nhớ cho một điều là luật pháp Mỹ không có từ “thông cảm.”  Phải đấu tận tình như chơi “football” mới may ra gỡ rối được cho vụ nầy.

            Nói cứng để làm cho bố con ông Tốt yên tâm, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra cách giải quyết để chứng minh ông Tốt là vô tội khi ông ta thật sự có cầm dao dọa dẫm và trực tiếp rờ mó, đụng chạm vào bộ phận giới tính của nạn nhân.

            Tôi mang hồ sơ về tham khảo ý kiến với anh cai Nick của tôi.  Anh chàng đã cho tôi một lời cố vấn mạnh như vũ bão rằng:
            - Làm sao chứng minh cho được lời cậu bảo rằng, những lời lẽ và hành động của ông Tốt đối với thằng nhóc Dany xảy ra thường xuyên và rất bình thường trong sinh hoạt đời sống văn hóa Việt Nam thì may ra mới có thể thuyết phục được những con diều hâu luật pháp châu Mỹ này.

            Vì là một xã hội hợp chủng nên sức mạnh của người Mỹ và luật pháp Mỹ là tôn trọng văn hóa của các dân tộc và xem xét cẩn thận cách hành xử khác nhau của những người xuất thân trong những nền văn hóa khác nhau. 

 Những ngày tiếp theo, tôi đã viết ra thành một tập tài liệu nhỏ nhằm giải thích rõ ràng sự khác nhau giữa hành động nựng nịu – âu yếm bằng lời nói gần gũi và cử chỉ vuốt ve – con trẻ với hành động xâm phạm tình dục trẻ con. 

 Thậm chí, những hành động nựng nịu đó mang tính văn hóa Việt Nam đậm đà mà đôi khi người ngoài không hiểu nổi hay hiểu ngược lại như trường hợp ông Tốt.  

Bản văn tường trình (statement) viết xong, tôi nhờ các em sinh viên đang học với tôi và các cơ quan xã hội đi xin chữ ký giải bày sự đồng tình hỗ trợ của các bậc cao niên và các nhân sĩ trong cộng Đồng người Việt.  

Nghe qua nội vụ của ông Tốt, các vị cao niên người Việt đã tỏ ra rất nhiệt tình, sẵn sàng đến tòa án để làm chứng biện minh cho ông Tốt, nếu cần.  Một chút tình quê hương và tấm lòng dân tộc biểu tỏ với nhau lúc lâm nguy nơi quê người thật là đẹp và đầy xúc động.
            Phiên tòa luận tội ông Tốt được xử tại tòa Thượng Thẩm (Superior Court) địa phương.  

Từ trên bục đối chứng (testified stand), tôi có thể nhìn thấy vẻ mặt tái xám và căng thẳng cùng cực của ông Tốt.  Bên cạnh đó là các người con trong gia đình ông và những người chứng trong cộng đồng người Việt.  

 Phiên tòa diễn ra một cách êm xuôi đến ngạc nhiên khi công tố viên và các luật sư hai phía chỉ hỏi và tranh biện chiếu lệ, nghe nhiều hơn nói.  Cách ứng xử với trẻ con trong khung cảnh văn hóa Việt Nam đã gây sự quan tâm thú vị hơn là thắc mắc đôi chối, tranh luận.
            Cho đến khi thư ký tòa án đọc phán quyết “trắng án – not guilty!” cho vụ án thì ông Tốt trông có vẻ như thản nhiên và đang đắm mình trong một trạng thái mộng du nào đó.  Miệng ông mấp máy liên tục những tiếng gì không rõ.  Trước khi chia tay ở hành lang tòa án, tôi lại gần, hỏi ông đang muốn nói điều gì.  Ông thì thào:
            - Nam mô Phật. Nam mô A-me-ri-ca!
            - ...?!
            Sau đó, khi đã quay lại với sinh hoạt đời thường, ông Tốt giải thích:
            - Tôi cầu nguyện mà.  “Nam mô” là tiếng tôn xưng.  Tôi tin là cái đất nước châu Mỹ – A-me-ri-ca – này cũng có các đấng thiêng liêng như Trời, như Phật cứu giúp kẻ hiền lương gặp nạn.

            Lần đầu, tôi bắt gặp một nét cười tươi trên gương mặt của ông Tốt. Tâm linh không xuất hiện như mặt hàng quảng cáo, nhưng vẫn thường hằng có mặt ở một góc khuất nào đó cao viễn nhất giữa cuộc đời thường.

Trần Kiêm Đoàn
(viết tại Sacramento)


  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...